Để thỏa mãn mong đợi của khách hàng, doanh nghiệp cần thường xuyên cải thiện chất lượng sản phẩm, giao hàng nhanh chóng và rút ngắn thời gian sản xuất. Khách hàng dễ dàng thay đổi nhà cung cấp khác có sản phẩm phù hợp với nhu cầu tức thì của họ. Chính vì vậy, đừng bỏ lỡ bài viết mới nhất từ Viện Phần Mềm ngay sau đây.
Hệ thống Lean cung cấp một chiến lược điều hành hoàn hảo để đạt được và duy trì hệ thống hoạt động tối ưu cũng như sự hài lòng của khách hàng. Có nhiều mô hình khác nhau thích hợp cho các hoạt động sản xuất tinh gọn, như chương trình “5S” được dạy trong một số các khóa học kinh doanh và mô hình SCOR.
Lợi ích của Sản xuất Tinh gọn (Lean Manufacturing)
Sản xuất tinh gọn là chiến lược sản xuất dựa vào kĩ thuật của Hệ thống sản xuất Toyota (Toyota Production System). Chiến lược sản xuất yêu cầu người lao động tham gia vào các cải tiến nhỏ để loại bỏ hao phí, tăng chất lượng và nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất. Chiến lược sản xuất tinh gọn tập trung vào nhu cầu của khách hàng về chất lượng và thời gian giao hàng.
Giảm chi phí tồn kho
Các doanh nghiệp sử dụng chiến lược này mong muốn giảm thiểu chi phí tồn kho của các nguyên liệu thô đầu vào, bán thành phẩm và thành phẩm. Thêm vào đó, khi mua ít nguyên liệu thô, doanh nghiệp sẽ chi ít tiền hơn để thuê nhà kho, ít nhân công để quản lí. Ngược lại những doanh nghiệp không sử dụng chiến lược sản xuất tinh gọn sẽ mua nguyên liệu dựa vào khả năng dự đoán nhu cầu của khách hàng, từ đó gây nên hao phí và tăng chi phí tồn kho.
Tăng năng suất và tính linh hoạt
Trong các doanh nghiệp ứng dụng Lean, công nhân sẽ di chuyển từng chi tiết/ linh kiện ngay khi hoàn thành thay vì chờ chuyển từng lô. Dây chuyền di chuyển từng bộ phận (single piece flow) như vậy giúp gia tăng năng suất và tính linh hoạt trong quy trình sản xuất. Ngoài ra còn giúp doanh nghiệp giảm thiểu thời gian sản xuất để nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của khách hàng
Loại bỏ hao phí
Phương pháp sản xuất tinh gọn tìm cách loại bỏ hao phí dưới mọi hình thức, chẳng hạn như chuyển động thừa, hàng tồn kho và thời gian chờ. Dây chuyền sản xuất được xây dựng để giảm thiểu số lượng di chuyển thừa giữa các quá trình và dây chuyền di chuyển từng bộ phận giảm thời gian chờ đợi giữa các bước trong sản xuất. Phương pháp tinh gọn giúp loại bỏ các nút thắt gây lãng phí thời gian trong dây chuyền sản xuất
Cải thiện chất lượng
Sản xuất tinh gọn loại bỏ hao phí bằng cách cải thiện chất lượng sản phẩm và giảm thiểu số lượng sản phẩm lỗi. Dây chuyền di chuyển từng bộ phận cho phép công nhân xác định những bộ phận/ linh kiện lỗi trước khi số lượng lớn sản phẩm được sản xuất. Công nhân được trao quyền để ngừng sản xuất và khắc phục nếu họ phát hiện ra một lỗi chất lượng trong quá trình sản xuất. Phương pháp sản xuất tinh gọn đưa ra quy trình sản xuất theo mô hình work cell, có nghĩa là hoàn thành tất cả các hoạt động sản xuất một sản phẩm trong một khu vực. Mô hình này khuyến khích người lao động giám sát chất lượng của sản phẩm khi nó di chuyển trong dây chuyền
Động viên tinh thần làm việc của nhân viên
Theo Đại học Berkeley ở California cho biết, khi ứng dụng chiến lược sản xuất tinh gọn thành công, người lao động sẽ được trao quyền tham gia vào cải tiến chất lượng sản phẩm, điều đó thúc đẩy tinh thần cống hiến trong họ. Ngược lại công nhân làm việc thiếu tinh thần dẫn đến năng suất thấp, chi phí nhân công cao và gia tăng số ngày nghỉ. Giảm năng suất và doanh thu có thể làm giảm lợi nhuận của một doanh nghiệp sản xuất.
Doanh nghiệp nào cần quy trình Sản xuất Tinh gọn (Lean)?
Một công ty cần áp dụng quy trình sản xuất tinh gọn (Lean) thường rất dễ xác định vì sẽ xuất hiện một số vấn đề dưới đây trong hoạt động kinh doanh/ sản xuất:
- Hàng tồn kho tích lũy trong dự trữ bình ổn (buffer stocks)
- Sản phẩm đang sản xuất (Work-in-process) bị tồn kho
- Dòng chảy thông tin và chất lượng thông tin kém
- Hiếm khi đạt được mục tiêu sản xuất
- Kế hoạch sản xuất không cân bằng
- Nhiều chi phí phát sinh
- Dịch vụ chăm sóc khách hàng kém
- Dự đoán doanh thu sai lệch nhiều
- Hồ sơ hàng tồn kho, thông số kỹ thuật sản phẩm, vận chuyển tài liệu có sai sót
- Các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng có chất lượng sản phẩm thấp hoặc thanh toán chậm .
- Tồn kho dư thừa một số nguyên vật liệu nhưng lại thiếu những nguyên liệu cần thiết khác
- Chu kì sản xuất dài
- Thủ tục hành chính quá phức tạp và phiền toái
- Những khâu không cần thiết xuất hiện thường xuyên trong quy trình
- Thời gian chờ đợi dài
- Nhiều khách hàng chưa được giao hàng (backorders)
- Di chuyển sản phẩm không cần thiết
- Duy trì những khu vực khác để làm nơi chứa hàng tồn kho
- Container còn nhiều không gian trống hoặc sản phẩm bị hư hại trong quá trình vận chuyển
- Nhân việc làm việc riêng trong giờ làm việc hoặc làm những việc không mang lại giá trị cho doanh nghiệp
Lên kế hoạch và triển khai Lean
Không nên triển khai quy trình Sản xuất tinh gọn cho đến khi các nhà quản lý cấp cao chắc chắn hỗ trợ thực hiện và thay đổi quy trình. Sau khi lên kế hoạch cẩn thận, triển khai thử trong một dây chuyền sản phẩm trước khi thực hiện trên quy mô rộng.
- Chọn một giám đốc sẽ lãnh đạo và tham gia vào việc lập kế hoạch.
- Đào tạo đầy đủ cho tất cả nhân viên về hệ thống mới sẽ được triển khai
- Bố trí các thiết kế toàn diện cho quy trình mới
- Chạy thử trên một khu vực sản xuất trước
- Đặt mục tiêu định lượng đối với số tiền cải thiện được sau khi triển khai quy trình Lean
- Thiết kế kế hoạch để triển khai theo từng giai đoạn
- Thiết lập bảng thời gian biểu
- Có được cam kết đầy đủ từ quản lý trước khi bắt đầu giai đoạn 1.
- TSP vietnam – Hệ thống xử lý giao dịch
Chi phí vận hành hệ thống Lean
Đầu tư vào các thiết bị hiện có là khoản đầu tư đắt đỏ nhất trong quy trình sản xuất tinh gọn. Tuy nhiên, Lean là một chiến lược tăng khả năng cạnh tranh, doanh thu, thị phần, lợi nhuận và giảm chi phí lao động và hàng tồn kho.
Do vậy nên cân nhắc có nên đầu tư vào Lean hay không khi đối thủ đang chiếm thị phần lớn trên thị trường. Vì đầu tư vào Lean khá tốn kém nhưng lợi ích mang lại cũng rất cao.
Lợi ích tài chính
Ứng dụng đúng quy trình sản xuất tinh gọn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích tài chính cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều khoản
- Giảm thời gian quay vòng vốn
- Giảm thiểu không gian để sản xuất
- Cắt giảm phần trăm làm lại sản phẩm
- Cắt giảm chi phí thu mua
- Giải phóng vốn, tăng cường tiềm lực tài chính của doanh nghiệp
- Giảm thiểu chi phí sản xuất
- Cắt giảm thời gian chờ đợi
- Cắt giảm chi phí tồn kho
- Tăng tỉ lệ giao hàng đúng hẹn
Nhược điểm của Sản xuất Tinh gọn (Lean Manufacturing)
Sản xuất tinh gọn bắt đầu từ Toyota Production System ở Nhật Bản trong những năm của thập kỷ 70, 80. Mục đích chính là loại bỏ hao phí, giảm thiểu lượng hàng tồn kho, cung cấp chất lượng tối ưu với chi phí thấp nhất bằng cách xem các quyết định quản lý chất lượng là một phần trực tiếp của quá trình sản xuất. Hao phí ở tất cả các khâu được giám sát, kiểm tra và loại bỏ. Tuy nhiên, phương pháp nào cũng sẽ có nhược điểm riêng của nó và Sản xuất tinh gọn cũng vậy.
Vấn đề cung ứng
Bởi vì chỉ có một số lượng nhỏ của hàng tồn kho được dự trữ, quy trình sản xuất tinh gọn phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung ứng cung cấp nhằm tránh gây gián đoạn. Các vấn đề như công nhân đình công, ắt tắc giao thông hay một trong các nhà cung ứng gặp vấn đề…thì buộc toàn bộ dây chuyền phải dừng lại. Đôi khi các nhà cung ứng cũng không chấp nhận giao hàng với số lượng ít hay phải tuân theo một lịch trình quá khắt khe. Những vấn đề này tạo nên gánh nặng về chi phí, lợi nhuận và tạo ra những căng thẳng mà cuối cùng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hay thậm chí là phải thường xuyên thay đổi nhà cung ứng hoặc khó khăn để tìm ra nhà cung ứng phù hợp với lịch trình của doanh nghiệp.
Chi phí vận hành cao
Khi ứng dụng Sản xuất tinh gọn có nghĩa là hoàn toàn tháo dỡ các thiết bị, hệ thống cũ ở nhà máy trước đó. Chi phí đào tạo nhân lực cao và kéo dài, chi phí thuê các nhà quản lý có kinh nghiệm cao hơn bình thường, vốn đầu tư mua máy móc thiết bị không nhỏ và các thiết lập của mô hình work cell được tính vào nợ dài hạn.
Thiếu sự đồng thuận của nhân viên
Quy trình sản xuất tinh gọn (Lean Manufacturing) đòi hỏi đại tu toàn bộ hệ thống sản xuất và đôi khi nhân viên từ chối vì họ thích cách làm cũ hơn. Hơn nữa, sản xuất tinh gọn đòi hỏi nhân viên phải liên tục kiểm soát chất lượng nhưng một số nhân viên sẽ thấy không hứng thú hoặc không đủ tiêu chuẩn để làm. Những nhân viên lớn tuổi có thể thích phương pháp trước đó và gây cản trở những người khác làm việc. Những tình huống trên đòi hỏi người quản lý phải có đủ kỹ năng và kinh nghiệm lãnh đạo cũng như khả năng thuyết phục để nhanh chóng vượt qua những vấn đề khó khăn này
Khách hàng không hài lòng
Vì quy trình sản xuất tinh gọn phụ thuộc rất nhiều vào nhà cung ứng, bất cứ gián đoạn nào chuỗi cung ứng đều ảnh hưởng đến khách hàng. Giao hàng trễ hay trì hoãn cũng là vấn đề cần được chú trọng xử lý trong quy trình này
Tham khảo: www.cerasis.com
Ban biên tập: Viện Phần Mềm
1/ Sản xuất tinh gọn là gì ?
Sản xuất tinh gọn hay Lean Manufacturing là một trong những phương pháp gia tăng hiệu quả kinh doanh bằng việc giảm thiểu chi phí sản xuất đồng thời tối đa hóa năng suất nhằm đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
2/ Mục đích của sản xuất tinh gọn
Mục đích cuối cùng của sản xuất tinh gọn là tạo ra các sản phẩm chất lượng đáp ứng được nhu cầu và làm hài lòng khách hàng với ít nguồn lực nhất có thể.
3/ Lợi ích của sản xuất tinh gọn
Giảm chi phí tồn kho, tăng năng suất và tính linh hoạt, loại bỏ hao phí, cải thiện chất lượng, động viên tinh thần làm việc của nhân viên.
4/ Các công ty áp dụng Lean Manufacturing
Tại Việt Nam một số công ty đã áp dụng Lean Manufacturing có thể kể đến Công ty CP Tập đoàn Thiên Long, Công ty CP Việt Vương, Công ty CP Thuỷ sản Minh Phú, Công Ty TNHH Adidas Việt Nam, Công ty May Nhà Bè, Công ty may Việt Tiến, Công ty CP May Hòa Thọ.
5/ Các công cụ của sản xuất tinh gọn
Các công cụ sản xuất tinh gọn phổ biến như: 5S, Kaizen, Lean Office, Lean Suppliers, Poka yoke, Six Sigma, Takt Time,…